Mặc dù hang động khá gần trung tâm xã Mường Đun song quanh động không có nhiều dân cư quần tụ, rừng núi vẫn giữ nguyên vẻ đẹp tự nhiên, mang lại cho du khách sự khám phá một nơi nguyên sơ thú vị. Với vẻ đẹp mang màu sắc riêng, một kiệt tác của thiên nhiên, đến nơi đây, du khách được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ và cảm nhận sự nhỏ bé của con người trước bàn tay thần kỳ của tạo hóa. Vào ngày 27/10/2020, hang động Thẳm Khến đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia.Mường Đun là một trong những xã thuộc huyện Tủa Chùa, nằm cách trung tâm huyện 20km về phía Đông - Nam; với nhiều cảnh đẹp thơ mộng, núi non hùng vĩ là điểm du lịch hấp dẫn có ý nghĩa trong hệ thống di tích tại huyện Tủa Chùa.
Để đến danh lam thắng cảnh hang động Thẳm Khến, du khách đến UBND xã Mường Đun, rẽ phải đi 1,5km vào bản Nà Xa, theo đường mòn khoảng 600m là đến được hang động.
Hang động Thẳm Khến được gọi tên theo tiếng của dân tộc Thái địa phương (Thẳm là hang động, Khến là một loại rau có vị đắng và ngọt, loại rau này mọc nhiều trước cửa hang, từ đó dịch sang tiếng phổ thông Thẳm Khến nghĩa là hang động có nhiều cây rau Khến).
Đến đây du khách có thể khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp của hai hang động, hang thứ nhất uốn lượn theo hình chữ S, có chiều sâu khoảng 160m, được chia làm 3 khoang chính; hang thứ hai hình chữ W, có chiều sâu khoảng 280m, chia làm hai khoang và hai ngách nhỏ.
Hang động thứ nhất nằm ở vị trí lưng chừng đồi, cửa quay về hướng Đông, hang có tổng chiều sâu 160m, được chia làm 3 khoang chính. Ở khoang thứ nhất nền hang là đất đá, cùng các phiến đá, măng đá, cột đá. Càng vào sâu bên trong hang động, du khách càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp sinh động và lộng lẫy mà thạch nhũ tạo nên, đó là hình các con vật như: Voi, rồng, phượng, rùa, các loại chim… đang ẩn mình trong thảm thực vật được tạo ra bởi những nhũ đá, muôn hình thù và dáng vẻ sinh động khác nhau. Ở khoang thứ hai, có những mảng nhũ đá lớn màu vàng, xám đan xen, sắc nhọn đâm thẳng xuống nền hang động, các đầu nhũ chứa những giọt nước li ti tinh khiết nhỏ xuống nền hang động, làm cho cả khoang trở nên mát lạnh. Nền hang động hình thành lên các cột đá măng đá như những cây thông, cây si cổ thụ khổng lồ. Các nhũ đá ở đây đều như những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật mà thiên nhiên ban tặng cho hang động nơi đây. Tại khoang thứ ba, vòm khoang bằng phẳng, nhẵn nhụi và ít nhũ đá hơn. Vách và nền hang động là những dải nhũ màu vàng hình thù kỳ lạ. Nổi bật hơn cả là trụ đá to mọc giữa trung tâm khoang, xung quanh là những phiến đá nối tiếp nhau từ cao xuống thấp như những ruộng bậc thang với các đường nét rõ ràng như được chạm trổ tỉ mỉ. Đặc biệt cuối khoang dưới ánh sáng tự nhiên của một ô thoáng rộng 2 - 3m từ trên đỉnh núi chiếu thẳng xuống nền tựa như "giếng trời", làm cảnh vật nơi đây thêm phần lung linh, huyền ảo.
Hang động thứ hai nằm cách hang động thứ nhất khoảng 60m về hướng Đông - Bắc, hang có chiều sâu khoảng 280m, chia làm hai khoang và hai ngách nhỏ. Ở khoang thứ nhất có chiều sâu khoảng 160m, có các khối nhũ đá mang hình thù những dải lụa trải dài và rủ xuống nền hang động, đường viền nét lúc thì mềm mại uyển chuyển như những dải san hô dưới biển, lúc thì mang dáng vẻ sắc nhọn, cứng cáp với vô số hạt kết tinh sáng lấp lánh. Nền động là những nhũ đá muôn hình muôn vẻ nhiều hình thù kỳ lạ, toàn cảnh như một bức tranh sơn dầu khổng lồ vẽ phong cảnh thiên nhiên hoang sơ. Các nhũ đá ở đây có hình thù sông suối, ao hồ, ruộng bậc thang; hai bên vách hang động là những gườm đá dài, khi gõ vào phát ra những âm thanh khác nhau. Nền động là những rừng măng đá, những tảng đá lớn hình vuông lớn màu trắng vàng xám, đường nét rõ ràng, như bài trí bởi bàn tay khéo của con người. Ở khoang thứ hai, trần và hai bên vách nhũ đá như những móng vuốt sắc nhọn. Nền động là những phiến đá lớn trải dài, được xếp chồng lên nhau thành tầng tầng, lớp lớp, hoặc mọc nối tiếp nhau, hoặc mang hình dáng những cây măng, cây nấm khổng lồ vững chắc với vô số hạt kết tinh sáng lấp lánh.
Hang động Thẳm Khến là điểm tham quan thú vị, đến nơi đây, ngoài được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hang động, du khách còn được khám phá diện mạo của núi đá tai mèo và trải nghiệm quá trình canh tác hoa màu bên hốc đá của người dân địa phương, thưởng thức các món ăn mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông đang sinh sống trên vùng đất Tủa Chùa.
Loại hình
- Du lịch sinh thái - khám phá
Liên hệ
- Xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên
Viết đánh giá