Được khánh thành và đưa vào phục vụ từ ngày năm 2013, Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh có diện tích hơn 300m2 với hơn 300 hiện vật và hình ảnh tư liệu.
Được khánh thành và đưa vào phục vụ từ ngày năm 2013, Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh có diện tích hơn 300m2 với hơn 300 hiện vật và hình ảnh tư liệu. Nội dung trưng bày của nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh gồm 04 phần và 01 phần trưng bày chuyên đề: Phần I: Điện Biên đất và người; Phần II: Điện Biên theo tiến trình lịch sử; Phần III: Bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên; Phần IV: Điện Biên thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển; Phần V: Trưng bày chuyên đề.
Học sinh các trường trên địa bàn tỉnh tham quan tìm hiểu nhà trưng bày bảo tàng tỉnh
“Điện Biên đất và người” giới thiệu đến du khách những thông tin sơ lược về Điện Biên. Tên gọi Điện Biên do vua Thiệu trị đặt vào năm 1841. “Điện” nghĩa là vững chãi, “Biên” nghĩa là vùng biên giới, biên ải, “Điện Biên” tức là miền biên cương vững chãi, là phên giậu vững chắc của Tổ quốc
Năm 2004, Điện Biên được tách ra từ tỉnh Lai Châu cũ, có diện tích tự nhiên 9.541.25 km2; nằm cách Thủ đô Hà Nội gần 500km. Điện Biên có đường biên giới tiếp giáp với hai quốc gia: Lào và Trung quốc. Tỉnh có 10 đơn vị hành chính: 01 thành phố, 01 thị xã và 8 huyện. Điện Biên là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng trong việc giao lưu hợp tác phát triển về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại. Đây là nơi hội tụ của 19 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng tạo nên bức tranh đa sắc màu về văn hóa của tỉnh Điện Biên. Điện Biên được cả thế giới biết đến với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nơi có di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ ghi dấu chiến thắng oai hùng của dân tộc Việt Nam; có các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tài nguyên thiên nhiên phong phú.
Hòa cùng dòng chảy lịch sử của cả dân tộc, lịch sử của tỉnh Điện Biên được chia thành 3 thời kỳ: Điện Biên thời kỳ tiền, sơ sử; Điện Biên thời kỳ phong kiến; Điện Biên thời kỳ kháng chiến.
Thời kỳ tiền, sơ sử Điện Biên là mảnh đất xuất hiện con người đến cư trú từ rất sớm gắn liền với lịch sử tồn tại và phát triển của người Việt, điều này được minh chứng thông qua những công cụ lao động bằng đá được phát hiện tại hang Thẳm Khương và Thẳm Púa thuộc huyện Tuần Giáo. Đặc biệt, tại hang Thẳm Khương còn phát hiện các công cụ bằng xương và bằng đồng, chứng tỏ từ xa xưa người Thượng cổ đã xuất hiện và sinh sống.
Từ thời xa xưa, khi các Vua Hùng dựng nhà nước Văn Lang, Điện Biên thuộc bộ Tân Hưng - đây là 1 trong 15 bộ thuộc nhà nước Văn Lang do vua Hùng cai quản. Thời này đồ đồng đã phát triển thay thế cho các công cụ lao động bằng đá thô sơ. Tinh hoa của thời kỳ này chính là trống đồng. Hiện nay, Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh Điện Biên đang lưu giữ gần 40 chiếc trống đồng. Những trống này có dáng hình cân đối, hài hòa, thể hiện trình độ cao về kỹ thuật đúc đồng và nghệ thuật điêu khắc.
Bước vào thời kỳ phong kiến, trải qua các triều đại phong kiến độc lập tự chủ từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Điện Biên vẫn giữ vững vai trò là mảnh đất phên giậu quan trọng của đất nước. Khi xưa, Mường Thanh là vùng đất do các chúa Lự cai quản. Vào khoảng cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, Lạng Chượng là con trai của Tạo Lò (vị chúa cai trị người Thái ở vùng Mường Lò - Yên Bái), đã đưa người dân tộc Thái thiên di đến sinh sống tại vùng đất Mường Thanh.
Thời kỳ kháng chiến, với truyền thống yêu nước, không chịu áp bức bóc lột, nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) đã hăng hái tham gia chống Pháp, nhiều cuộc khởi nghĩa do các thủ lĩnh châu mường lãnh đạo đã nổ ra và được nhân dân ủng hộ. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của thủ lĩnh dân tộc Mông - Vừ Pà Chay vào tháng 10/1918. Phong trào nhanh chóng phát triển khắp vùng Lai Châu, Sơn La và lan sang cả vùng Thượng Lào. Phong trào đã trở thành cuộc khởi nghĩa rộng lớn và gây ra nhiều tổn thất cho quân Pháp. Trong quá trình lãnh đạo cuộc đấu tranh, thủ lĩnh Vừ Pà Chay đã chế tạo ra khẩu súng có tên gọi là súng Pa Chay - thân súng được làm từ gỗ xoan, đạn được làm từ mảnh chảo gang đập vỡ.
Ngày 20/11/1953, thực dân Pháp đưa quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ và xây dựng Điện Biên Phủ trở thành tập đoàn cứ điểm hùng mạnh - được ví như “con nhím khổng lồ”, hay “cối xay thịt” để nghiền nát lực lượng Việt Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ kính yêu, đặc biệt là sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với ý chí quả cảm của quân và dân ta, sau 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, quân và dân ta đã tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - làm nên chiến thắng lịch sử “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vào ngày 7/5/1954, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ trên toàn miền Bắc, đập tan mưu đồ xâm chiếm Việt Nam và toàn Đông Dương của thực dân Pháp.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trung đoàn 176 - Đại đoàn 316 đã chuyển về xuôi nhận nhiệm vụ mới. Năm 1955, Đại đoàn 316 đổi tên thành Sư đoàn 316. Tháng 3/1958, nhận nhiệm vụ mà Đảng và Bác Hồ giao phó, Sư đoàn 316 đã quay trở lại Điện Biên thực hiện nhiệm vụ vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, vừa phá dỡ bom mìn, khai vỡ đất hoang, trồng cây lương thực đồng thời hướng dẫn đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Lúc này, Sư đoàn 316 chuyển biên chế thành Lữ đoàn và tổ chức các công trường, nông trường làm nhiệm vụ sản xuất. Khi đó, Trung đoàn 176 chuyển thành Nông trường quân đội Điện Biên. Ngày 22/12/1960, Nông trường quân đội Điện Biên chuyển thành Nông trường Quốc doanh Điện Biên.
Với tinh thần “Lấy Tây Bắc làm quê hương, lấy Nông trường làm gia đình” các cán bộ chiến sỹ Nông trường quốc doanh Điện Biên đã nỗ lực ngày đêm biến mảnh đất Điện Biên “còn đầy thương tích chiến tranh” giờ đây được hồi sinh bởi “màu xanh thẫm của đỗ, của ngô, của lạc, màu xanh non của lá mạ, màu đỏ tươi của ớt chín lấn dần lên các màu nham nhở của đất hoang”.
Đến với không gian trưng bày, giới thiệu Bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên. Điện Biên có dân số trên 60 vạn người, có 19 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm tỷ lệ 38,12%, dân tộc Thái chiếm 35,69%, dân tộc Kinhchiếm 17,38%, dân tộc Khơ Múchiếm 3,30%, còn lại là các dân tộc khác. Với 19 dân tộc tỉnh Điện Biên được chia thành 6 nhóm ngôn ngữ: Tày - Thái, Mông - Dao, Môn - Khơ Me, Tạng - Miến, Việt- Mường, Hán.
Tại nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh Điện Biên các dân tộc được chia thành 4 nhóm ngôn ngữ: Tày - Thái, Mông - Dao, Môn - Khơ me, Tạng Miến.
Nhóm Tày - Thái (gồm các dân tộc: Thái, Lào, Tày, Nùng, Thổ) sống tập trung thành từng bản giữa các thung lũng, dọc theo sườn đồi, bên bờ sông, suối. trung bình mỗi bản có từ vài chục nóc nhà, bản lớn có tới trăm nóc nhà. Trong nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, dân tộc Thái phân bố ở hầu hết các huyện, thị, thành phố. Dân tộc Thái gồm hai ngành: người Thái đen chủ yếu ở các huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng và người Thái trắng chủ yếu ở Thị xã Mường Lay, Mường Chà, Mường Nhé. Dân tộc Lào chủ yếu ở hai huyện là Điện Biên Đông và huyện Điện Biên. Còn các dân tộc Tày, Nùng, Thổ chủ yếu sinh sống tại huyện Điện Biên và Thành phố Điện Biên Phủ.
Nhóm ngôn ngữ Mông - Dao (gồm dân tộc Mông và dân tộc Dao), trong đó dân tộc Mông phân bố ở hầu hết các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, tập trung đông ở các huyện Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ...với 5 ngành, gồm: Mông Trắng, Mông đen, Mông hoa, Mông đỏ, Mông xanh. Còn dân tộc Dao phân bố ở huyện Tủa Chùa, Nậm Pồ, Mường Nhé với 3 ngành Dao là Dao quần chẹt, Dao đỏ và Dao khâu.
Nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến (gồm các dân tộc Cống, Si La, Hà Nhì, Phù Lá). Từ xa xưa đồng bào thường cư trú ở các triền núi, ven thung lũng vùng biên giới, điều kiện khí hậu khắc nghiệt rét đậm vào mùa đông và nắng nóng vào mùa hè nên dân tộc Cống dựng nhà sàn, dân tộc Hà Nhì, Phù Lá, Si La làm nhà trình tường để sinh sống.
Nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Megồm 3 dân tộc: Xinh Mun, Kháng, Khơ Mú. Đồng bào nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me sinh sống rải rác ở các huyện: Tuần Giáo, Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà. Từ bao đời nay, đồng bào cư trú rải rác ở các triền núi nơi có các thung lũng, khí hậu thoáng mát nhưng giao thông đi lại khó khăn. Các hoạt động lao động, sản xuất gắn liền với thiên nhiên, chính vì vậy nghề thủ công truyền thống phát triển, đặc biệt là nghề đan lát.
Điện Biên thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.Giới thiệu một số sản phẩm thủ công đầu tiên do nhà máy Trần Phú, Điện Biên sản xuất năm 1987: bát, đĩa, gạch xi măng lát nền. Đây là sản phẩm đánh dấu bước cải tiến mới trong quá trình sản xuất kể từ sau đổi mới. Giới thiệu chân dung các đồng chí lãnh đạo tỉnh Điện Biên qua các thời kỳ; một số hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước tới thăm và làm việc tại Điện Biên; hình ảnh phản ánh sự phát triển của tỉnh Điện Biên trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Với phần trưng bày chuyên đề một số cổ vật.
Tại bày Bảo tàng tỉnh trưng bày một số cổ vật thuộc thời Trần có niên đại vào thế kỷ XIII - XIV. Vào thời Trần các dòng gốm men hình thành và phát triển đa dạng như gốm hoa nâu, men nâu, gốm men ngọc, gốm men rạn....Theo nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam, men nâu thời Trần là loại men đặc trưng riêng chỉ có ở Việt Nam.
Thế kỷ X nước ta bước vào thời kỳ độc lập phong kiến tự chủ, chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc, vua Đinh Tiên Hoàng đã cho đúc đồng tiền đầu tiên của Việt Nam là đồng “Thái Bình Hưng Bảo”. Kể từ đó trở đi các triều đại đều đúc tiền để sử dụng. Bên cạnh là một số đồng tiền thuộc thời Lê có niên đại từ năm 1740-1786 với quy tắc đúc tiền noi theo nhà Đinh, viết quốc tính lên mặt sau của tiền phân biệt rõ ràng với tiền Trung Hoa vốn đã được dùng ở nước ta thời kỳ trước đồng thời khẳng định chủ quyền.
Tiền thời Nguyễn có niên đại từ năm 1802 - 1945. Các đồng tiền cũng được đúc niên hiệu nên mặt tiền khẳng định vị trí thống trị của mỗi triều đại. Đây là giai đoạn chấm dứt 143 năm cai trị của nhà Nguyễn, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Qua đây ta thấy nền kinh tế của tỉnh đã có sự giao thương, buôn bán xuất hiện từ rất sớm.
Với những tài liệu, hiện vật phong phú, sinh động phản ánh về mảnh đất con người Điện Biên, Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh Điện Biên sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho du khách đến thăm quan, học tập và nghiên cứu.
Địa chỉ: Tổ 3, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ.
Viết bình luận của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *