Đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Đồi A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Đây là nơi từng diễn ra những trận đánh ác liệt nhất, kéo dài nhất, có tính chất quyết định cho toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Tại đây, địch bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự kiên cố, vững chắc để cùng các điểm cao khác bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh. Tuy nhiên, qua 39 ngày đêm chiến đấu ác liệt, sáng 7/5/1954, quân đội ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm này, mở đường cho đợt tổng công kích cuối cùng vào sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để giành thắng lợi toàn diện cuối cùng.
Đồi A1 nằm dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, bao gồm 2 đỉnh: Tây Bắc cao hơn 490 mét, Đông Nam cao hơn 493 mét. A1 là ký hiệu mà quân đội Việt Nam đặt cho quả đồi. Sau nhiều trận chiến vô cùng ác liệt đã diễn ra ở đây thì đến 4h sáng ngày 7/5/1954, quân đội Việt Nam đã chiếm được đồi A1.
Di tích A1 (cứ điểm Elian 2) nằm cạnh quốc lộ 279 (đường 7/5) thuộc phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Cứ điểm này cao 32 mét so với mặt đường có diện tích 83.000 mét vuông, cách Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp khoảng 500 mét về phía Tây theo đường chim bay.
Đồi A1 thuộc dãy đồi phía Đông, cùng với C1, C2, D và E tạo thành bức tường thành vững chắc che chở cho phân khu trung tâm, là điểm cao cuối cùng trực tiếp che chở cho Sở chỉ huy quân Pháp và được ví như “chìa khóa” của cả tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Hiện nay, trên đỉnh Tây Bắc của đồi A1 có đài kỷ niệm được xây theo kiểu “Tam sơn”, ở giữa cao, hai bên thấp và đều có hình mái đầu đạo. Phía trước là lư hương, ở giữa là tấm bia, phù hiệu Quốc kỳ, sao vàng nền tròn đỏ, xung quanh là vòng tương hoa.
Bên cạnh đài kỷ niệm là xác một trong hai chiếc xe tăng nặng 18 tấn mà tên Quan Ba Hécvuê đưa từ trung tâm Mường Thanh lên để phản kích quân đội Việt Nam. Một di tích quan trọng nữa là cái hố hình phễu to bằng cái “ao đình” cạn. Đó là dấu tích trận nổ khối bộc phá nghìn cân của quân ta mà chiến sĩ ta thường gọi “đào hầm để trị hầm”, trị cả hầm, cả lô cốt cố thủ của giặc.
Ngày nay, khi đến với cứ điểm A1, qua những chứng tích lịch sử còn lại của chiến tranh như: đường hầm, chiếc xe tăng, hố bộc phá… chúng ta cũng phần nào thấu hiểu được sự vất vả, gian khổ cũng như tinh thần anh dũng, quả cảm của các chiến sỹ để có được sự độc lập, tự do ngày hôm nay.
Loại hình
- Du lịch lịch sử - tâm linh
Liên hệ
- Phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên
Viết đánh giá