Quần thể tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ gồm 3 bộ đội đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé Thái, trên cùng là lá cờ quyết chiến quyết thắng. Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên đồi D1 nằm ở vị trí trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ là nhóm tượng bằng đồng cao, to và nặng nhất Việt Nam từ trước đến nay. Tượng có chiều cao 16.6 mét, chất liệu bằng đồng thau, trong ruột kết cấu bê tông cốt thép, trọng lượng 220 tấn. Bệ tượng cao 3.6 mét, bên ngoài ốp đá mỹ nghệ, gồm 3 tầng hình chữ nhật xếp chéo lên nhau. Tượng do nhà điêu khắc Nguyễn Hải - người từng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh thiết kế dựa trên nguyên mẫu tượng Điện Biên Phủ của ông trong thập niên 60 (1960 - 1965), sao cho phù hợp với một không gian lớn ngoài trời để đặt tượng đài.
Sinh thời, khi nói về tác phẩm này, ông cho biết: “Tôi chưa một lần đến Điện Biên Phủ, nhưng khi tập kết ra Bắc, âm vang chiến thắng Điện Biên Phủ còn ở mọi nơi. Qua sách báo, phim ảnh và đặc biệt là qua các bài hát của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Hoàng Vân... tôi đã “ngấm” dần xúc cảm về chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật (1963), trong tôi nảy sinh ý tưởng sáng tác về chiến thắng Điện Biên Phủ. Tôi lao vào làm việc miệt mài. Tác phẩm được bắt đầu làm từ năm 1963 và đến cuối năm 1964 mới xong”.
Về ý nghĩa nguyên bản của bức tượng, nhà điêu khắc Nguyễn Hải giải thích: Tượng đài có 3 anh Bộ đội Cụ Hồ, một em bé dân tộc Thái, một lá cờ đỏ sao vàng và một bó hoa. Một anh bộ đội phất cao lá cờ, tượng trưng cho các Đại đoàn quân đánh vào Điện Biên Phủ năm xưa. Khi sáng tác, tôi nhớ tới hình ảnh anh bộ đội cầm cờ phất trên nóc hầm De Castries. Một anh bộ đội bế em bé người Thái, trên tay cầm một bó hoa. Khi sáng tác anh bộ đội này, tôi nghĩ đến những văn nghệ sĩ quân đội đã, đang và sẽ góp sức ca ngợi chiến thắng, để chiến thắng mãi mãi đi vào sử xanh. Em bé người Thái tượng trưng cho sự nối tiếp thế hệ trẻ của các dân tộc, góp phần xây dựng quê hương Tây Bắc đẹp giàu. Anh bộ đội thứ ba cầm súng thể hiện tinh thần luôn luôn cảnh giác của quân đội trước mọi kẻ thù.
Khi nghe tin tác phẩm của mình được chọn để làm tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà điêu khắc Nguyễn Hải vô cùng hạnh phúc. Ông huy động cả gia đình, vợ là bà Lê Thị Chinh, nguyên giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp; con trai là nhà điêu khắc Nguyễn Hải Nguyễn; con gái là họa sĩ Nguyễn Thị Chinh Lê tập trung làm bản phác thảo cho phù hợp với ngôn ngữ tượng đài trên đồi D1. Bức tượng phác thảo được làm tại xưởng của ông ở Bình Dương.
Nhà điêu khắc Nguyễn Hải quyết định tặng mẫu tượng đài cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Biên, thể hiện tấm lòng của người con Nam Bộ với đồng bào miền Bắc, đã nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho ông trưởng thành.
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ sừng sững giữa đất trời Điện Biên lịch sử, cùng với các di tích khác của chiến trường năm xưa như: Đồi A1, cầu Mường Thanh, Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, Mường Phăng.... đã trở thành địa danh trường tồn cùng đất nước. Những di tích lịch sử cách mạng này mãi mãi là minh chứng cho sự tồn tại và phát triển bền vững của mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, đồng thời luôn mở cửa chào đón khách du lịch quốc tế, đặc biệt là những cựu chiến binh Pháp, Mỹ, khẳng định sự thân thiện, tinh thần hợp tác cùng phát triển; là cơ hội cho thấy Việt Nam sẵn sàng xóa bỏ mọi thù hận, hướng tới tương lai.
Loại hình
- Du lịch lịch sử - tâm linh
Liên hệ
- Phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên
Viết đánh giá