Trong những chuyến hành trình đặc biệt di chuyển qua các địa danh cách mạng gắn với chiến công hiển hách của thế hệ cha anh tại Điện Biên, nhiều đại biểu trẻ tuổi đã có cho mình những cảm nhận sâu sắc về tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các đại biểu Hành trình "Sinh viên với khát vọng non sông" tại Cột mốc số 0 A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
“Ngày 1/2/1954, tức đêm 29 Tết Giáp Ngọ, Đại đội 827 (Tiểu đoàn
394) kéo pháo ra khỏi trận địa. Trời tối đen như mực, lại thêm mưa phùn khiến
con đường nhỏ hẹp bên vực sâu càng bội phần nguy hiểm. Anh em bộ đội đang đưa
pháo xuống thì dây tời đột ngột đứt, khẩu pháo nặng hơn hai tấn bắt đầu trôi
xuống dốc. Khoảnh khắc ấy, đồng chí Tô Vĩnh Diện đã lấy thân mình cứu pháo khỏi
rơi xuống vực sâu và hy sinh anh dũng…”, đồng chí Phạm Đức Cư, nguyên Trợ lý
tham mưu Tiểu đoàn 394 (Trung đoàn Pháo cao xạ 367, Đại đoàn 351, tham gia
chiến dịch Điện Biên Phủ), xúc động bỏ ngỏ câu chuyện.
Thổi bùng
“ngọn lửa” tuổi trẻ
Cả hội trường Chương trình giao lưu “Tiếp lửa truyền thống” bỗng
chốc rơi vào yên lặng. Một số nữ đại biểu trẻ tuổi bất giác đưa tay lau nước
mắt. Bầu không khí lặng lẽ chỉ được phá vỡ khi đồng chí Phạm Đức Cư chậm rãi
nhắn nhủ: “Mong các bạn trẻ hiểu rằng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của chúng
ta ngày đó lớn lao và ý nghĩa đến thế nào. Đất nước ta khi đó còn chưa phát
triển, dân ta còn ít và phần lớn mù chữ. Thế nhưng, Việt Nam vẫn làm nên một
thắng lợi vĩ đại sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường”.
Chương trình giao lưu “Tiếp lửa truyền thống” là một trong các
hoạt động chính của Hành trình “Sinh viên với khát vọng non sông”, do Trung
ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á và các
đơn vị liên quan tổ chức những ngày qua tại tỉnh Điện Biên. Hành trình có sự
tham gia của 70 đại biểu là cán bộ Hội Sinh viên các cấp, hội viên, sinh viên
tiêu biểu từ mọi miền Tổ quốc. Trong khuôn khổ Hành trình, các đại biểu đã đến
thăm nhiều di tích lịch sử, địa chỉ đỏ gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ và Đồn
Biên phòng A Pa Chải, triển khai một số hoạt động an sinh xã hội, chăm lo gia
đình chính sách, có công với cách mạng…
Dừng chân ở độ cao gần 1.900m so với mặt nước biển tại Cột mốc
số 0 A Pa Chải, đại biểu Lê Thanh Long, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học
Mở Thành phố Hồ Chí Minh, bồi hồi chia sẻ: “Tham gia Hành trình nói chung và để
đến được với Cột mốc nói riêng, chúng tôi đã vượt qua nhiều cung đường khó
khăn. Nhưng điều đó là quá nhỏ bé nếu so với những gì mà các thế hệ cha anh đã
trải qua để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa
cầu”.
Cũng giống như chàng trai đến từ thành phố mang tên Bác, trước
khi đến Điện Biên, nhiều đại biểu của Hành trình từng thắc mắc bằng cách nào
các chiến sĩ năm xưa có thể băng rừng, vượt núi, chiến đấu và giành thắng lợi
trong điều kiện thiếu thốn và khắc nghiệt. Sau khi trực tiếp gặp gỡ các chiến
sĩ Điện Biên, tham gia Lễ chào cờ chủ quyền và hát Quốc ca ở nơi “một con gà
gáy cả ba nước cùng nghe”, cùng nhiều hoạt động khác, các bạn trẻ phần nào được
giải đáp.
Nhanh nhẹn phát những phần cơm vừa nấu tới từng học sinh Trường
Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Vì, huyện Mường Nhé, bạn Trần Kim Oanh,
sinh viên Trường cao đẳng Y tế Thanh Hóa bất giác cười tươi khi nghe các em
đồng thanh nói: “Chúng em mời các thầy, cô, anh chị ăn cơm”. Mồ hôi lấm tấm
trên mặt, nữ đại biểu trẻ tuổi cho biết, đã nhiều lần tham gia các hoạt động an
sinh xã hội trong hai năm ngồi ghế giảng đường, nhưng chưa từng có những trải
nghiệm đáng nhớ như tại chương trình “Nấu ăn cho em” trong khuôn khổ Hành
trình.
Từng là đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc Hội Sinh viên Việt
Nam lần thứ XI, Kim Oanh luôn tích cực trong các hoạt động, phong trào Đoàn,
Hội. Với Chương trình “Nấu ăn cho em”, nữ sinh năm hai ở tổ hậu cần, cùng các
thầy, cô giáo nấu một bữa trưa thơm ngon, đầy dinh dưỡng tặng các em nhỏ vùng
cao. Để làm được điều này, buổi tối trước đó, Kim Oanh và các đại biểu chỉ có
khoảng 3 giờ nghỉ ngơi để kịp chuẩn bị.
“Được đến với những địa chỉ đỏ và các di tích lịch sử gắn với
một thời hoa lửa của cha anh là niềm vinh dự lớn lao. Có cơ hội về vùng thôn,
bản xa xôi giữa trùng điệp núi rừng, nấu những món ăn nóng hổi cho thế hệ tương
lai của mảnh đất Điện Biên anh hùng là việc tôi luôn mong ước. Trải qua những
chặng đường dài bụi bặm và trắc trở, các đại biểu đều thấm mệt, nhưng nhìn thấy
nụ cười rạng rỡ của các em nhỏ đã chờ đợi đoàn Hành trình từ sáng sớm, ai nấy
đều được tiếp thêm sức lực”, Trần Kim Oanh hồ hởi nói.
Khơi dậy niềm
tự hào dân tộc
Trong tán cây râm mát dưới tiết trời nắng gắt cuối tháng tư, các
“Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” nhanh nhẹn chia nhau những nắm cơm theo khẩu phần. Bữa
trưa của nhóm chiến sĩ “nhí” trên một ngọn đồi ở thành phố hoa ban được thực
hiện đúng tinh thần “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Theo
chương trình hoạt động Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” lần thứ V, năm 2024,
các em đang thực hiện thử thách kéo pháo lên đồi.
Hoàn thành thử thách, đại biểu Trần Thủy Tiên (lớp 5/3 Trường
tiểu học Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, danh hiệu “Dũng sĩ
Nghìn việc tốt” và “Nhà sử học nhỏ tuổi xuất sắc” tỉnh Bình Dương, tươi cười
cho hay: “Đến với Liên hoan, chúng em không chỉ được viếng, dâng hương các anh
hùng liệt sĩ, mà còn có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như thi đẩy
xe đạp thồ, sinh hoạt theo tác phong bộ đội, tham quan Bảo tàng Chiến thắng
Điện Biên Phủ, các khu di tích lịch sử và đặc biệt là được nghe bác Võ Điện
Biên, con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kể lại những câu chuyện hào hùng năm
xưa. Qua mỗi hoạt động, các đại biểu lại có thêm kiến thức, càng thấm thía hơn
công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu để giành độc lập,
tự do cho Tổ quốc”.
Theo Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương,
Trưởng đoàn đại biểu Liên hoan Nguyễn Phạm Duy Trang, sau 10 năm, Liên hoan
“Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” được khởi động lại, với sự tham gia của 200 đại biểu
thiếu nhi xuất sắc đến từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước ngay tại thành phố
Điện Biên Phủ anh hùng. Từ ngày 24 đến 26/4 vừa qua, mỗi ngày, các “Chiến sĩ
nhỏ Điện Biên” sinh hoạt theo chủ đề riêng, lần lượt gồm: “Hội quân về miền hoa
Ban”, “Theo bước chân những người anh hùng” và “Tự hào truyền thống, vững bước
tương lai”.
Hành trình “Sinh viên với khát vọng non sông” năm 2024 và Liên
hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” lần thứ 5 là hai chương trình lớn, do Trung ương
Hội Sinh viên Việt Nam và Hội đồng Đội Trung ương triển khai cùng lúc với Hành
trình “Điện Biên Phủ-Khát vọng non sông” và Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi”,
lần lượt do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Hội
Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.
Các đoàn Hành trình đã hành quân đến tỉnh Điện Biên qua các địa
danh cách mạng gắn với những chiến công của thế hệ cha anh trong chiến dịch
Điện Biên Phủ. Tại mỗi địa danh, các đoàn đại biểu tổ chức nhiều hoạt động an
sinh xã hội, thăm hỏi, trao quà tặng cựu chiến binh, gia đình người có công với
cách mạng và đặc biệt là toàn bộ hơn 130 “Chiến sĩ Điện Biên” đang sinh sống
tại tỉnh Điện Biên.
Nhận định về chuỗi hoạt động lớn của các đoàn đại biểu, Bí thư
Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, Trưởng đoàn Hành trình “Sinh
viên với khát vọng non sông” Nguyễn Minh Triết, khẳng định: Các chương trình đã
thổi bùng lên “ngọn lửa” tinh thần xung kích, khơi dậy niềm tự hào dân tộc,
tình yêu Tổ quốc trong mỗi đại biểu. Các hoạt động không chỉ mang ý nghĩa chính
trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, mà còn thiết thực ôn lại truyền thống cách
mạng vẻ vang của dân tộc, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn vô hạn với những
người đã góp sức cho Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Viết bình luận của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *