Lễ Pang Phoóng là một trong những nghi lễ sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống được trao truyền từ nhiều đời nay và đã trở thành di sản văn hóa độc đáo tiêu biểu của dân tộc Kháng, dòng họ Lò, ngành Lò Khul, ở xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, Điện Biên.
Dân tộc Kháng là một trong những dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời ở miền núi Tây Bắc Việt Nam. Trước đây, người Kháng được biết đến với nhiều tên gọi khác như như Xá Khao, Xá Xú, Xá Đơn, Xá Dâng, Xá Hộc, Xá A Ỏ, Xá Bung, Quảng Lâm. Tuy nhiên, tên gọi chính thức của Nhà nước ta đối với cộng đồng này là dân tộc Kháng. Tại tỉnh Điện Biên, người Kháng là một trong những dân tộc ít người, cư trú thành từng bản, mỗi bản có khoảng 30 đến 90 nóc nhà, sinh sống tập trung ở các huyện: Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà.
Hiện nay, người Kháng tỉnh Điện Biên còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, truyền thuyết, truyện kể dân gian. Trong số các giá trị văn hóa vẫn còn được bảo lưu, trao truyền đến nay về tập quán xã hội, tín ngưỡng là những giá trị tiêu biểu: phong tục ăn, ở, hôn nhân, tang ma, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và nhiều nghi lễ, phong tục tập quán liên quan đến sản xuất nông nghiệp như: lễ tra hạt, lễ cơm mới, lễ hội Xên Pang ả… Một trong những tập quán xã hội đặc sắc hơn cả phải kể đến là lễ hội Pang Phoóng của người Kháng, điển hình trong việc tổ chức lễ hội này là dòng họ Lò, ngành Lò Khul, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo.
Đây là lễ hội, tập quán xã hội và tín ngưỡng độc đáo để tạ ơn tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho mọi người trong gia đình, dòng họ luôn được mạnh khỏe, làm được nhiều ruộng nương, lúa gạo, nuôi trâu bò nhanh lớn, mọi công việc làm ăn thuận lợi, phát triển; anh em con cháu trong dòng họ gần gũi nhau, chia sẻ những khó khăn vui buồn, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết gắn bó; đồng thời nhắc nhở, răn dạy con cháu luôn nhớ về cội nguồn.
Chuyện kể rằng, thuở xưa có một bản người Kháng nằm giữa một vùng
thiên nhiên kỳ vĩ bốn mùa rộn tiếng chim ca, vượn hót đón chào mỗi buổi bình
minh. Vào một buổi chiều đông, tiết trời hanh hao đã đưa bước chân chàng trai
con Tạo bản dòng họ Lò Khun đến gặp một nàng vượn xinh xắn, kết quả của một
tình yêu huyền bí là một cậu bé đẹp tựa thiên thần và nàng vượn bỗng hóa thân
thành thiếu phụ về làm dâu nhà Tạo bản.
Về làm dâu
nhà Tạo bản, ngày ngày vợ chồng nàng làm nương rẫy, ngày mùa bận rộn, gia đình
nàng phải nhờ thêm anh em tới giúp. Bữa cơm ngày mùa không thể thiếu được món
hoa chuối rừng. Một buổi sáng, nàng cùng em gái chồng lên rừng, em chồng mải
chặt chuối lấy hoa, không thấy chị dâu hái chuối mà trong nháy mắt chị đã hái
đầy hoa chuối xếp gọn trong sọt. Em chồng thấy lạ liền hỏi: “Chị
không hạ cây mà sao hái được nhiều hoa chuối thế?”. Chị dâu
liền giải thích: “Chị trèo cây, em xem chị hái hoa chuối
đây này”. Chị dâu bỗng biến thành vượn thoăn thoát trèo cây
hái hoa chuối rừng, thân hình và chân tay đầy những lông. Chỉ trong nháy mắt
chị vượn lại biến thành người khiến em chồng vô cùng sửng sốt và đem chuyện về
kể với anh trai mình. Thế rồi chuyện lạ lan ra cả nhà cũng biết. Xót thương con
trẻ và người chồng yêu quý, nàng quyết ra đi để tránh mắt dò xét của mọi người.
Nàng dặn chồng hãy thay nàng nuôi con. Hãy nhớ ngày nàng mãi mãi lìa xa chàng.
Sau mùa gặt hái chàng hãy hái hoa Bầu, hoa Bí, chọn 36 củ khoai lang, 36 củ
khoai sọ, 36 miếng bí đao, 36 bí đỏ, 36 ngọn rau, 36 miếng thịt, đồ 1 gói xôi
cẩm, 1 gói xôi cốm và làm 2 ống rượu bằng cần tre cùng 4 cần hút để làm cỗ
tưởng nhớ về nàng. Từ đó mà lễ hội Pang Phóong của đồng bào Kháng ra đời để tỏ
lòng nhớ thương, biết ơn “mẹ Vượn”.
Hàng năm,
cứ đến mùa hoa Mào gà nở đỏ trên nương cũng là mùa lúa chín. Đồng bào Kháng
dòng họ Lò Khul lại tổ chức lễ hội Pang Phóong tại nhà Trưởng họ. Mỗi lần lễ
hội diễn ra các gia đình trong dòng họ nô nức kéo về hội tụ để cùng tưởng nhớ
về “mẹ Vượn”. Đây cũng là dịp họ hàng, anh em bạn bè, trai tài gái sắc gặp nhau
sau những ngày tháng lao động vất vả. Trong không khí linh thiêng mà ấm áp tình
người, tràn đầy sự hứng khởi của lễ hội, cả bản mường cùng hân hoan trong lễ
hội.
Có thể nói, lễ Pang Phoóng, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, Điện
Biên được xem là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhằm
thỏa mãn nhu cầu tâm linh được nảy sinh trong cuộc sống, lao động sản xuất, là
chỗ dựa tinh thần để mỗi người hướng về tổ tông, dòng tộc, các vị thần để gửi
gắm niềm tin, cầu mong một cuộc sống bình an, khỏe mạnh, sung túc và củng cố
sức mạnh cộng đồng./.
Viết bình luận của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *