Khi nhắc đến đặc sản Tây Bắc, người ta thường nghĩ đến các món như cơm lam, thịt trâu gác bếp, măng, rau rừng,… Nhưng có lẽ không nhiều người biết đến một món ăn đặc sản rất đặc biệt của người Thái ở vùng Tây Bắc, đó là rêu đá.
Rêu đá là đặc sản chỉ riêng có ở vùng Tây Bắc, thường mọc bám vào các gờ đá ở nơi lòng suối, thường có nhiều nhất vào mùa xuân. Rêu được người dân ở đây phân chia thành 3 nhóm: “cui”, loại rêu mọc thành sợi như sợi tóc, màu hơi sẫm; “cay”, loại rêu có sợi mọc rời rạc màu xanh và “tau”, loại rêu mọc thành từng mảng ở khu vực sông Đà, các ao hoặc các khe suối, không bám chặt vào đá như các loại rêu kia, khi thu lượm người ta thường dùng thanh tre gạt rêu vào rổ.
Có thể nói rêu đá là sản vật đất trời ban cho người Thái, món ăn này hầu như không mang đến được địa phương khác tiêu thụ, bởi rêu đá chỉ có số lượng có hạn, bảo quản không được lâu, chỉ đủ dùng trong các gia đình người Thái. Do đó, muốn được thưởng thức rêu đá chỉ có đến những vùng Tây Bắc mới có thể thưởng thưởng thức được.
Rêu đá chỉ bảo quản được 2 -3 ngày nếu để lâu rêu sẽ bị khô mất đi vị ngon. Theo chân những người dân tộc Thái đi thu lượm rêu, bạn sẽ thấy họ lần qua những khe suối, nơi có những đám rêu xanh mướt bám chặt tại các tảng đá, bà con dân tộc Thái chỉ cần dùng dao tách những sợi rêu sau đó dùng chày gỗ đập rêu, nhào rêu cho bung lớp cát bám vào.
Món rêu đá có thể chế biến ra nhiều món như: rêu hấp, canh rêu ngọt, rêu xào sả ớt, nộm rêu và rêu nướng. Nếu là canh rêu thì rêu sẽ được cắt thành từng đoạn nhỏ, thả vào nước luộc gà hoặc xương hầm đến khi chín tới sẽ dậy lên hương thơm hấp dẫn. Lên các bản người Thái, thưởng thức bát canh rêu đá nóng hổi trong tiết trời se lạnh mới thấy cái thú ẩm thực độc đáo của vùng cao Tây Bắc. Với những mẻ rêu non người Thái thường dùng để chế biến nộm. Sau khi rửa sạch rêu cho vào chõ đồ cho chín tới rồi trộn cùng súp, mì chính và các gia vị như gừng, mùi, “mắc khén” (hạt tiêu rừng). Người thích ăn cay có thể cho thêm ớt nướng giã nhỏ. Tuy nhiên, với nhiều người thì rêu nướng (tau pho) vẫn là món ăn đặc sắc nhất.
Rêu được lấy từ những con suối trong. Sau khi được làm sạch, người Thái thường trộn hạt dổi, hạt mắc khén (những gia vị được lấy từ rừng) cùng ớt, tỏi, gừng, củ xả, lá chanh rồi thêm ít thịt mỡ. Dùng lá dong được rửa sạch để gói rêu và gia vị, buộc lạt tre túm lại hai đầu, bẻ quặt hai mép lá lại thành cái hình khum khum treo lên một thanh nẹp tre.
Đem tất cả vùi vào trong tro ấm. Không than, không lửa cũng không hơ khói. Bao giờ lá dong cháy tý tách, thì lôi thanh tre ra, hơ cả gói rêu nướng trên than hoa. Lá dong cháy đến lớp trong cùng, mỡ và nước xanh thơm mát của rêu suối rỉ ra, thì bày ra đĩa. Khi ăn, mở gói lá dong, mùi mắc khén, hạt sẻn và mấy chục thứ gia vị cùng ngạt ngào, riêng có rêu vẫn mát lịm, thanh tao. Gắp miếng rêu thả vào miệng, nhấp một chút rượu, một cảm giác lạ lùng dễ chịu lan tỏa khắp người, một cảm giác không dễ để quên.
Rêu nướng là một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng nổi bật của đồng bào người Thái tại Điện Biên. Nếu bạn đã có dịp khám phá mảnh đất du lịch này thì hãy thưởng thức những món rêu nướng nơi đây.
Viết bình luận của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *