Dân tộc Dao là một trong 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Toàn tỉnh hiện có hơn 6.000 người dân tộc Dao (chiếm hơn 1% dân số toàn tỉnh), sinh sống tập trung tại các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ và Tủa Chùa, thuộc các ngành Dao đỏ, Dao quần chẹt, Dao khâu. Xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa) - vùng đất giáp ranh giữa huyện Tủa Chùa (Điện Biên), Quỳnh Nhai (Sơn La) và Sìn Hồ (Lai Châu) được coi là thủ phủ của người Dao quần chẹt.
Hai cậu bé được làm lễ Tủ Cải (hay còn gọi là lễ trưởng thành).
Nơi đây, dân tộc Dao có hơn 2.000 người (chiếm khoảng 76% dân số toàn xã), phân bố tại 6/9 thôn, bản nằm dọc chiều dài gần 20km của bên bờ sông Đà. Cộng đồng dân tộc Dao nơi đây đang gìn giữ, bảo lưu khá vẹn nguyên những thiết chế bản làng, những tập tục văn hóa cổ truyền độc đáo, đặc biệt là Lễ Tủ Cải ( Lễ “trưởng thành” và “đặt tên âm” cho người con trai dân tộc Dao).
Để đến được xã Huổi Só (tiếng Dao có nghĩa là “khe suối”) - một trong hai xã của huyện Tủa Chùa tiếp giáp sông Đà, xuất phát từ Mường Báng, chúng tôi phải vượt gần 20km đường đèo để đến trung tâm xã Xá Nhè; tiếp tục men theo sườn núi hướng đông bắc, cắt dãy núi Tả Hủ Tráng bằng đường Tủa Thàng-Huổi Só, rồi vượt qua đèo Tà Si Láng hơn 10km nữa, chúng tôi mới tới được Huổi Só – vùng đất xa nhất của huyện Tủa Chùa. Với cung đường dài khoảng 50km, chúng tôi đã xuyên suốt trục dọc của tiểu vùng văn hóa người Dao ở “miền khát” cao nguyên đá Tủa Chùa.
Với đồng bào Dao nơi đây, Lễ Tủ Cải là một nghi thức có vai trò và dấu mốc quan trọng trong lễ tục vòng đời người con trai Dao, bắt buộc người con trai nào cũng phải trải qua, bởi nó có ý nghĩa đánh dấu sự trưởng thành của các chàng trai từ tuổi ấu thơ sang tuổi thành niên. Theo nghĩa Nôm Dao, “Tủ” là báo cáo, “Cải” là đặt tên, “Tủ Cải” tức là lễ báo cáo với các thần linh, tổ tiên về việc đặt tên thứ hai (tên âm) cho người con trai trong dòng tộc. Khi cúng lễ xưng tên với tổ tiên, người Dao kiêng dùng tên thật, chỉ dùng tên âm đã được đặt trong Lễ Tủ Cải. Tên âm này sẽ được ghi trong gia phả. Khi qua đời, con cháu sẽ cúng giỗ theo tên âm.
Đồng bào quan niệm ai đã trải qua Lễ Tủ Cải mới được coi là người trưởng thành, là người lớn, có tâm đức, biết phân biệt phải trái, có đủ tư cách làm các công việc trong dòng tộc, cộng đồng; khi chết hồn mới được về đoàn tụ với tổ tiên. Tất cả những người làm thầy mo đều phải trải qua nghi lễ này. Thông thường những bé trai từ 5 tuổi trở lên, điều kiện kinh tế gia đình cho phép được bố mẹ và dòng họ quan tâm, tạo điều kiện để làm Lễ Tủ Cải.
Thời gian tổ chức Lễ Tủ Cải không quy định dài, ngắn, tùy vào điều kiện kinh tế từng gia đình mà có thể kéo dài từ 3 đến 7 ngày. Tuy nhiên, Lễ Tủ Cải thường được tổ chức khi công việc đồng áng, nương rẫy đã gọn gàng, tức là sau vụ gặt lúa nương, khi đó trùng vào dịp cuối năm, ngày được chọn làm lễ thường từ mồng 4-7/12 (dương lịch), đây là những ngày và tháng tốt nhất trong năm theo quan niệm của người Dao quần chẹt.
Trước ngày diễn ra lễ từ 10 đến 15 ngày, gia chủ chuẩn bị các lễ vật, thực phẩm tùy theo nhu cầu, quy mô lễ lớn, nhỏ; đồng thời mang lễ vật đến mời các thầy cúng có uy tín trong bản chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ. Trước khi tổ chức lễ một ngày, các thầy cúng, họ hàng thân tộc có mặt đầy đủ tại gia đình người được thụ lễ. Thầy cả phân công các thầy cúng, những người giúp việc, họ hàng, dân bản cùng dựng đàn lễ trong nhà (nơi ngự của tổ tiên), đàn lễ ngoài trời (nơi ngự của các thần linh), dán sớ điệp và viết sớ báo cáo để trình báo với tổ tiên, thần linh...
Khi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, Lễ Tủ Cải bắt đầu diễn ra. Trong suốt những ngày diễn ra lễ Tủ Cải, tất cả mọi người dự lễ đều ăn chay. Người được thụ lễ phải mặc bộ y phục (quần, áo, nón) truyền thống của người Dao quần chẹt do chính tay người mẹ hoặc người chị đã hết tuổi sinh đẻ làm cho, để đảm bảo trong sạch vào những ngày làm lễ. Lễ Tủ Cải tổ chức lớn nhất trong vùng gồm 7 ông thầy cúng với quyền hạn và nhiệm vụ khác nhau. Thầy cả và thầy hai là linh hồn và là người điều khiển chính trong các lễ thức.
Hai ông thầy này là người đọc thông viết thạo chữ Nôm Dao, có trí nhớ tốt, thuộc lòng các quyển sách cúng, các bài diễn ca hay các bài tế các vị thánh thần. Họ có khả năng hát tế suốt mấy giờ liền, thậm chí là ngày này qua ngày khác mà không cần nhìn sách. Y phục mỗi thầy cúng khi đi hành lễ gồm 4 áo dài có màu trắng, đỏ, gụ, vàng thêu hình tổ tiên, các vị thần. Ngoài ra, các thầy cúng còn mang theo kiếm gỗ (hoặc gậy tầm xích), một con nghê nhỏ bằng kim loai, chuông đồng…
Mở đầu, thầy cả đọc lời tuyên bố lý do tổ chức buổi lễ. Nội dung nghi lễ này thầy cả đề cập đến lịch sử người Dao, ai là con trai cũng phải làm cái lý này và xướng tên những người sẽ được thụ lễ. Tiến trình lễ diễn ra qua nhiều lễ thức khác nhau như: Lễ mời tổ tiên; nghi lễ dâng lễ vật tạ ơn tổ tiên; Nghi lễ báo cáo với các chư vị thần linh; Lễ khai đàn; Lễ đặt tên âm; Nghi thức mời tổ tiên trong đàn lễ, gian thờ tổ tiên nữ ra nghe con cháu đọc báo cáo… Các lễ này diễn ra trong khoảng thời gian 5 ngày, có những lễ thức phải thực hiện từ 3 giờ sáng, khi những tiếng gà gáy cuối cùng báo hiệu đêm tàn canh, chuẩn bị bước sang ngày mới.
Phần lễ xen lẫn hội, phối hợp nhịp nhàng và có mối quan hệ khăng khít với nhau, tạo nên không khí linh thiêng mà ấm áp tình người, tràn đầy sự hứng khởi. Lời khấn cầu, những lời răn dạy của tổ tiên, thần linh thông qua các thầy cúng tới người được thụ lễ hòa trong âm thanh phụ họa của tiếng chiêng, tiếng trống làm tính linh thiêng của cõi tâm linh thâm nhập vào cõi trần gian. Tất cả được diễn ra sinh động theo một quy trình khá lôgic từ khâu chuẩn bị đến việc tiến hành các nghi lễ.
Các lễ thức diễn trình theo quy định kéo dài cho đến ngày cuối cùng của buổi lễ vừa mang ý nghĩa giáo huấn vừa mang màu sắc tâm linh huyền ảo, đồng thời phản ánh những ước mơ, khát vọng của con người lấy cội nguồn tiên tổ làm nền tảng để rèn tâm, dưỡng đức.
Lễ thức quan trọng nhất trong lễ Tủ Cải là thầy cúng cấp cho người được thụ lễ một bản đạo sắc viết bằng chữ Nôm Dao, ghi về lý lịch của mình, nguyên do thụ lễ và các điều răn dạy. Đạo sắc được coi là bằng chứng để người thụ lễ được phép thực hiện các nghi lễ trong xã hội người Dao. Tên của chàng trai được ghi trong gia phả, sử dụng khi cúng lễ và lúc qua đời con cháu sẽ cúng theo tên âm này.
Kết thúc các nghi lễ, thầy thư ký đọc tổng kết báo cáo trước đàn lễ tổ tiên, báo cáo kết quả thành công của lễ, tạ ơn tổ tiên, thần linh, thỉnh cầu cho người được thụ lễ những điều tốt đẹp. Tiếng trống, tiếng chiêng được đánh lên những hồi dài, âm thanh trầm hùng dội vào vách núi giữa đại ngàn xanh. Cuối cùng gia chủ cám ơn và mời mọi người dự bữa cơm đoàn kết, chúc mừng người được thụ lễ.
Mặc dù đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, sự giao thoa, hòa nhập cộng đồng, Lễ Tủ Cải của đồng bào dân tộc Dao quần chẹt ở Huổi Só đến nay vẫn giữ được bản sắc riêng, luôn hiện hữu trong đời sống cộng đồng. Lễ Tủ Cải nghiêm trang trong phần lễ, phóng khoáng vui vẻ trong phần trình diễn, chào đón xum vầy, tiễn đưa tổ tiên.
Lễ Tủ Cải còn là dịp giao thoa văn hóa cộng đồng và cũng là nơi găp gỡ của gia đình, dòng tộc, bạn bè, con người càng cảm thông với nhau, hướng đến những điều tốt lành; có tác động tích cực đến việc giáo dục thế hệ trẻ, góp phần xây đắp nên sự gắn kết cộng đồng, bảo tồn những nền tảng, tinh hoa văn hóa của cộng đồng dân tộc Dao./.
Viết bình luận của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *