Tháng 3, khi Hoa Ban nở trắng những sườn đồi, thung lũng, làng bản thì cũng là lúc những thửa ruộng bậc thang tại xã Tà Lèng, Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên được bao phủ một màu xanh mướt mắt.
Xã Tà Lèng (Thành phố Điện Biên Phủ) hiện có hơn 250 hộ dân thuộc 5 dân tộc anh em (Thái, Dao, Kinh, Mông, Khơ Mú) cùng sinh sống ở 3 bản Tà Lèng, Kê Nênh và Nà Nghè.
Trước đây, Tà Lèng là một xã nghèo đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Vùng đất này chỉ thực sự phát triển trong một vài năm trở lại đây và đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Đó là nhờ sự quan tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn đã cùng chung tay xây dựng bản làng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Người dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi tập quán trồng lúa nương năng suất thấp sang mô hình sản xuất lúa trên ruộng bậc thang 2 vụ trong năm, cho năng suất, sản lượng cao. Bởi xã Tà Lèng có địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn. Ruộng bậc thang là hình thức canh tác nông nghiệp thích nghi với điều kiện tự nhiên của con người nơi đây.
Mùa xuân là khoảng thời gian vụ mùa mới bắt đầu, lúa được gieo cấy tại ruộng bậc thang Tà Lèng, người dân cho nước vào những mảnh ruộng bậc thang, nước sẽ chảy từ trên cao xuống dưới thấp, dưới ánh nắng mặt trời, ruộng bậc thang Tà Lèng hiện ra với màu xanh mướt của lúa non tạo nên khung cảnh hùng vĩ, khoáng đạt, yên bình, trù phú, thơ mộng.
Đến với Điện Biên, ngoài cánh đồng Mường Thanh rộng lớn, màu mỡ quanh năm cho 2 vụ lúa với thương hiệu gạo Điện Biên đặc sản nổi tiếng thì ruộng bậc thang Tà Lèng cũng là một điểm đến thu hút của các bạn trẻ, những người yêu thiên nhiên, du lịch bởi chính nét đẹp bình dị, được kết tinh từ mồ hôi, công sức, thành quả lao động của người dân xứ mường trời.
Viết bình luận của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *